Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), trong giai đoạn từ 2012 - 2020, có hơn 27.500 vụ cháy, trong đó khoảng 14.200 vụ có nguyên nhân từ sự cố hệ thống điện (chiếm 51,9%).
Tình hình cháy nổ thường gia tăng vào dịp hè. Đơn cử như trong tháng 4, toàn quốc xảy ra 372 vụ cháy, làm chết 3 người, làm bị thương 2 người. So với tháng 3, số vụ cháy tăng 19 vụ ( 372/353 vụ).
Đáng lưu ý, cháy vẫn chủ yếu xảy ra tại địa bàn thành thị với 218 vụ (chiếm 58,6%). Trong đó có 39% (145 vụ) cháy ở nhà dân, 20 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 5,4%).
Đặc biệt, có tới 75,5% vụ cháy xảy ra là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện,15,7% do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính được xác định xuất phát từ chập mạch điện ở đầu xe máy điện. Ảnh: Quang PhongTrao đổi với VietNamNet, TS. Bùi Hùng Thắng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho rằng, việc phòng chống nguy cơ cháy nổ do hệ thống điện là rất quan trọng, đặc biệt trong mùa hè khi nhiệt độ cao và việc tiêu thụ điện năng tăng mạnh. Để giảm thiểu nguy cơ từ sự cố hệ thống và các thiết bị điện, cần chú ý đến một số biện pháp sau:
Đối với đường dây điện, ổ điện, phích cắm
Người dân, doanh nghiệp cần định kỳ tiến hành rà soát và kiểm tra lại toàn bộ đường dây điện để đảm bảo không gặp các vấn đề như dây điện bị hở, dây bị chuột gặm, dây bị xuống cấp theo thời gian, các mối nối dây điện bị lỏng hoặc băng dính điện bị xuống cấp gây hở điện,…
Những vấn đề trên rất dễ gây ra nguy cơ chập cháy, đặc biệt trong mùa hè khi nhiệt độ cao và công suất tiêu thụ điện từ các thiết bị lớn.
“Cần kiểm tra sự phù hợp của dây điện với công suất của các thiết bị tiêu thụ điện. Việc sử dụng dây điện nhỏ, công suất thấp để cấp điện cho thiết bị công suất cao (hoặc nhiều thiết bị nhỏ có tổng công suất vượt quá định mức) có thể gây quá tải và chập cháy điện.
Nên sử dụng aptomat cho hệ thống điện, và thậm chí sử dụng đến cả các ổ điện, phích cắm có tích hợp aptomat. Đặc biệt, nên chọn loại có chức năng chống giật để hạn chế tối đa nguy cơ sự cố điện giật hoặc chập cháy do quá tải, chập điện”, TS. Bùi Hùng Thắng khuyến cáo.
TS. Bùi Hùng Thắng (áo đen) cùng cộng sự nghiên cứu thiết bị điện. Ảnh: N.HĐối với thiết bị có sử dụng pin, ắc-quy tích điện lithium
TS. Bùi Hùng Thắng dẫn chứng, có nhiều sự cố cháy nổ liên quan đến pin và ắc-quy lithium, gây nguy hiểm cho người sử dụng và dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Đặc biệt, trong mùa hè, do nhiệt độ cao nên nguy cơ này càng tăng.
Do vậy, cần định kỳ tiến hành rà soát và kiểm tra các thiết bị sử dụng pin và ắc-quy lithium, chẳng hạn như điện thoại, máy tính, thiết bị tích điện cho camera, sạc dự phòng, quạt tích điện, đèn pin tích điện...
“Cần đảm bảo pin và ắc-quy lithium đáp ứng chất lượng và an toàn về phòng chống cháy nổ. Những hiện tượng như pin và ắc-quy lâu ngày, kém chất lượng, hoặc bị phồng cần được thay thế.
Pin và ắc-quy thay thế cần phải chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tránh sử dụng sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc và chất lượng thấp trên thị trường.
Trong quá trình sạc điện cho các thiết bị di động, máy tính,... không nên sử dụng chúng vì nhiệt độ tăng cao dễ gây cháy nổ”, TS. Bùi Hùng Thắng nhấn mạnh.
Theo đó, các thiết bị này cần được sạc ở nơi thông thoáng, tránh xa những vị trí dễ gây cháy nổ. Quá trình sạc nên có người giám sát để kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố nếu xảy ra.
Tránh việc sạc thiết bị qua đêm ở nơi không có người lớn, vì nếu chẳng may xảy ra sự cố gây cháy nổ sẽ rất khó khắc phục và có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Pin và ắc-quy lithium sử dụng cho hệ thống và thiết bị cố định (như camera,…) cũng cần được đặt ở vị trí thông thoáng, có nhiệt độ thấp, tránh xa những vật dụng dễ cháy nổ, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, tránh không may xảy ra sự cố quá tải hoặc quá nhiệt gây thiệt hại lớn.
Đối với hệ thống xe điện, tiêu chuẩn kỹ thuật của ắc-quy lithium cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo chất lượng theo quy định của nhà sản xuất. Quá trình sạc cần tuân thủ đúng quy trình và quy định của nhà sản xuất.
Chú ý sạc xe điện ở nơi thông thoáng, không có các vật dụng và đồ dễ cháy nổ xung quanh để tránh nguy cơ cháy lan nếu chẳng may xảy ra sự cố. Tốt nhất nên sạc vào thời gian phù hợp để có thể giám sát quá trình sạc và tuyệt đối không nên sạc xe qua đêm sau khi đã đi ngủ.
Đối với địa điểm kinh doanh, cửa hàng, nhà kho
Các địa điểm kinh doanh, cửa hàng, nhà kho... là nơi có nhiều vật dụng, đồ dùng, hàng hóa, vật tư dễ cháy nổ. Vì vậy TS. Bùi Hùng Thắng khuyến cáo người dân cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng các nguy cơ cháy nổ liên quan đến hệ thống điện như đã đề cập ở trên.
Đồng thời, hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn tại các địa điểm kinh doanh, cửa hàng, nhà kho có nhiều vật dụng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nổ. Các thiết bị điện sử dụng tại những nơi này nên được chọn loại có chức năng phòng chống cháy nổ để đảm bảo sự an toàn.
“Trước khi đóng cửa hàng, nhà kho, hoặc địa điểm kinh doanh vào buổi tối, tốt nhất nên ngắt nguồn và rút phích cắm tất cả các thiết bị điện, đặc biệt thiết bị có công suất lớn (ngoại trừ các thiết bị quan trọng như camera an ninh, báo cháy,…). Điều này nhằm đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sự cố chập cháy từ các thiết bị điện vào ban đêm khi không có người.
Tuyệt đối không để lại hoặc sạc qua đêm các thiết bị sử dụng pin và ắc-quy lithium tại cửa hàng, nhà kho, hoặc địa điểm kinh doanh chứa nhiều vật dụng, đồ dùng và hàng hóa dễ cháy, nổ vào ban đêm sau khi đã đi ngủ”, TS. Bùi Hùng Thắng nhấn mạnh.